Connect with us

Chuyện lạ

Câu chuyện phía sau những cái tên khai sinh độc lạ nhất Việt Nam

Tranh Biếm họa Tên khai sinh độc lạ tại Việt Nam

Ít ai biết rằng phía sau mỗi cái tên khai sinh độc lạ tại Việt Nam lại chứa đựng một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Nhiều khi, là cả nỗi lòng trĩu nặng của người mang tên…

Cái tên mang nặng nỗi buồn

Báo chí đã từng đăng câu chuyện về một em học sinh. Do nỗi đau hôn nhân, người mẹ đặt tên con mình là Trường Hận. Cô giáo, với tấm lòng của người thầy, đã thuyết phục được người trong cuộc đổi tên em thành Trường Hân. Hân là vui, là mừng. Cuộc sống của Hân từ đó đã vui tươi hơn, bỏ qua được mặc cảm từ cái tên nặng nề phải đeo mang.

Trong bộ đội, tuần nào cũng điểm danh. Tên họ, cấp bậc, chức vụ của mỗi người lính đều được chỉ huy dõng dạc xướng lên, và người lính đáp lại bằng một tiếng “Có” mạnh mẽ, dứt khoát.

Nhưng có một anh thiếu úy, mỗi lần đến lượt mình, anh chỉ đáp khẽ bằng một giọng buồn đến… đứt ruột: anh mắc cỡ về cái tên của mình! Mấy năm sau gặp lại, thấy anh hoạt bát hẳn lên. Anh đã thực hiện quyền thay đổi họ tên. Chỉ cần thêm một cái dấu móc đơn giản, từ nay tên anh là Trần Văn Cư!

Giới tính trong cái tên khai sinh

Chuyện này nghe kể, không có bằng chứng, nhưng có thể tin được: Một người mẹ ra phường, đi đặt tên cho con gái là Minh Phương, bị anh cán bộ hộ tịch mắng là tên gì mà như con trai. Bà mẹ cười ngất, vì thấy anh cán bộ đeo bảng tên là… Ngọc Nữ!

Và bạn có tin không? Có một người phụ nữ tên Ông Hoàng Minh Quân. Và một người đàn ông nổi tiếng trong giới ngân hàng Sài Gòn, tên là Dương Quý Phi!

Có một gia đình họ Lê. Những đứa con đầu đều là gái, đặt tên lần lượt là Liễu, Lành, Lợi… Một người quen nhắc nhở, đặt tên toàn là chữ L làm sao kiếm được con trai. Sau đó, gia đình quyết định “đột phá”, đặt cho cô con gái kế tiếp là Cúc, tức chữ C. Kết quả, lập tức sinh ra được cậu trai út, và đặt tên là Thắng. Đúng là thắng lợi mỹ mãn, như mong đợi.

Khóa huấn luyện 1979 – 1980 của Trường Hạ sĩ quan, Bộ tư lệnh TP.HCM (Trường H36, Thủ Đức) có một học viên là lính của Trung đoàn Gia Định. Anh này tướng tá vô cùng bặm trợn, nhưng lại mang một cái tên hết sức mỹ miều: Lê Mỹ Hương!

Vì thời đó, vốn có khá đông nữ quân nhân, nên cán bộ tài vụ của nhà trường tự động xếp anh ấy vào danh sách các… chiến sĩ gái! Vậy là, mỗi tháng “hắn” ngang nhiên lãnh hơn đồng đội một khoản tiền trợ cấp có tên “vệ sinh phí”!

Nhưng, cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Ba tháng sau, giữa bảng thông tin tại nhà ăn đại đội, xuất hiện dòng chữ yêu cầu “đồng chí Lê Mỹ Hương” lên ngay phòng tài vụ, để trả lại số tiền “bội thu” mấy tháng qua…

Chuyện mới hơn là vào năm 1998, bạn Nguyễn Như Mơ – bí thư một Đoàn trường cấp III TP.HCM, được cử đi Hà Nội dự hội nghị. Căn cứ vào danh sách, ban tổ chức xếp bạn ấy vào ngủ chung một phòng với hai “nữ tướng” khác. Đến ngày tập trung, khi “đã nhìn tận mặt, đã cầm tận tay”, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng Như Mơ là một chàng… trai tơ!

Xem ra ông bà ta xưa kia “văn minh” hơn hậu thế nhiều lần. Cứ nam là Văn, cứ gái là Thị. Cách đặt tên đó không để lại “hậu quả nghiêm trọng” như chúng ta ngày nay.

Tranh Biếm họa Tên khai sinh độc lạ tại Việt Nam

Chơi chữ với tên khai sinh

“Thế hệ vàng” là tên gọi dành cho lứa cầu thủ bóng đá tài danh của Việt Nam những năm 1990. Người hâm mộ đã hâm mộ bằng cách đưa tên “mấy ảnh” vào… bảng cửu chương đời mới:

2 lần 1 Anh Tuấn (hậu vệ, mang áo số 2), 2 lần 2 Hữu Thắng (trung vệ, 4), 2 lần 3 Đức Thắng (hậu vệ cánh trái, 6), 2 lần 4 Hồng Sơn (tiền vệ tấn công, 8), 2 lần 5 Huỳnh Đức (tiền đạo, 10)…

Cầu thủ Hữu Thắng, Hồng Sơn, Huỳnh Đức

Cầu thủ Hữu Thắng, Hồng Sơn, Huỳnh Đức

Trong Tiếng Việt lý thú (NXB Giáo Dục, 2005, tập 3, trang 133), tác giả Trịnh Mạnh có kể lại “những mẩu chuyện vui về một trong những cách chơi chữ trong tiếng Việt”.

Đó là chuyện một cô gái bị hỏng xe dọc đường. May mà có một chàng trai sửa giúp, do có mang theo dụng cụ sửa xe. Xong việc, chàng trai rất muốn làm quen, bèn hỏi: “Tên em là gì?”. Cô gái trả lời: “Tên em là cái anh cầm trên tay”. Trên tay chàng trai lúc đó chỉ có cái kìm. Chàng ta nghĩ mãi không ra, sau này mới biết tên nàng là Kim Huyền.

Và một chuyện nữa: Có cô gái bán ngô nướng ở cổng trường đại học. Có mấy chàng sinh viên vừa ăn ngô vừa tán chuyện. Một anh hỏi: “Em tên gì?”, cô gái đáp: “Nếu anh ăn 2 bắp, anh này ăn 4 bắp, anh kia ăn 6 bắp, cộng lại chính là tên em”.

Cả bọn nghĩ mãi không ra, đành phải góp tiền mua đủ 12 bắp ngô. Bấy giờ cô gái mới trả lời: “12 bắp ngô là một tá ngô. Tá ngô là Tố Nga!”.

Liên quan đến nói lái, có cô gái bảo, bây giờ em phải đi gặp Mộng Trà. Ai cũng thắc mắc: Mộng Trà là ai, diễn viên, người mẫu hay hoa khôi nào đây? Hóa ra, Mộng Trà, là Mộng Chè, tức là… mẹ chồng!

Nhưng, trường hợp “chuyển ngữ” thành công nhất, phải ghi nhận sự khéo léo của một ca sĩ chuyển giới: Khi là nam, anh tên Lâm Chí Khanh – một cái tên rất nam tính; khi là nữ, chị là Lâm Khánh Chi – một tiếng gọi đầy nữ tính!

Tự trào với cái tên khai sinh

Nhà báo Nghiêm Minh, trong Miệng thế gian (NXB Trẻ, 2015, trang 81) có ghi lại việc nhà thơ Bút Tre, tên thật là Đặng Văn Đăng, khi ký tên thường ghi là “Dang Van Dang”. Người cùng cơ quan gọi tên ông là Giăng Van Giăng (Jean Valjean), một nhân vật trong Những người khốn khổ của Victor Hugo.

Vào thời bao cấp, ở Huế xuất hiện một câu đối:
Lối lên Lang, lầu lên lớp lớp
Đường đến Đối, điện đỏ đều đều.

Ai ở Huế thời bấy giờ, mới nghiệm ra được cái hay của lối chơi chữ bằng điệp phụ âm đầu này: ông Lang là giám đốc Nhà máy xi măng Long Thọ, còn ông Đối là giám đốc Sở Điện lực Huế!

Người đời nay lại có thêm một trò chơi lạ: thêm vào tên một “tiếp ngữ” để tạo ra “âm thanh nổi”. Ai tên Bằng, sẽ thành Bằng Bằng (tiếng súng); Tùng > Tùng Tùng (tiếng trống); Khanh > Khanh Khách (tiếng cười); và Hùng sẽ thành Hùng Hục như tiếng thở…

Và câu chuyện tự trào sau đây của nhà văn Nguyễn Một, cũng đáng được chép lại vào giai thoại làng văn nước ta. Ông đã từng nói với bạn bè, rằng có ai được như mình không, tên mình được đặt cho con đường dài nhất Việt Nam. Dĩ nhiên, ai nghe thấy đều ngạc nhiên, sao lại được đặt tên đường, mà đường nào, ở đâu? Câu trả lời là: Đó, quốc lộ Một đó!

Nghĩ lại, thật là hợp lý hợp lẽ!

(Bài viết của tác giả Duyên Trường)


Advertisement

Ai vậy ta?

Đang hot